==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố nổi tiếng nhất của Việt Nam và là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty nghỉ ngơi cuối tuần, gia đình đi thăm quan và đặc biệt là cho các cặp vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật. Phần 3 của bài viết, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những điểm đến hấp dẫn khi tham gia tour: hồ Suối Vàng, thác Hang Cọp, bảo tàng Lâm Đồng, thác Dambri, nhà thờ Cam Ly.

1. Hồ Suối Vàng

Hồ Suối Vàng là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Hồ nằm tại huyện Lạc Dương, cách thành phố Đà Lạt 20 km về phía Bắc.

Rời trung tâm Đà Lạt theo hướng Bắc đi Lạc Dương, đến km 7 Tùng Lâm rẽ trái, Lữ khách còn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 12km gập ghềnh uốn lượn giữa những đồi thông chập chùng trước khi đến được hồ Suối Vàng, nơi mà 100 năm trước đây khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, ngẩng ngơ trước cảnh sắc thơ mộng kỳ ảo của thiên nhiên còn nguyên vẹn nét hoang sơ, Yersin đã chạy nhảy reo hò như một cậu học trò nhỏ để sau này đề nghị với toàn quyền P. Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng nơi đây.

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 1

Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Dankia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet chắn dòng sông Đa Dung phát nguyên từ núi Langbian; cạnh đó là một thác nước trắng xóa cũng mang tên Ankroet - thác này đã được toàn quyền Decoux chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của Đà Lạt vào năm 1942.

Hồ Suối Vàng có sức chứa khoảng 20 triệu khối nước, ngoài việc cung cấp nguồn nước trong lành cho thành phố Đà Lạt, còn được dùng để vận hành tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Ankroet với công suất năm đạt 15 triệu kw/h. Nơi đây còn có nhà máy nước Suối Vàng khá hiện đại do Đan Mạch giúp xây dựng hoàn thành năm 1984 với công suất 18.000m3/giây, với sự kiểm nghiệm thường xuyên của Trung tâm Y tế dự phòng đã xác nhận nước đầu nguồn luôn đạt tiêu chuẩn vệ sinh cần thiết.

 

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 2

 

Dankia - Suối Vàng ngày nay đã được nhìn nhận đúng với giá trị thực của nó. Trong một tương lai không xa nơi đây cùng với khu vực Tuyền Lâm sẽ là một đối trọng của Đà Lạt hiện nay đã bị bê tông hóa tràn lan đến bực bội. Một liên doanh gồm một bên là Tỉnh Lâm Đồng và một bên là Singapore đã có kế hoạch đánh thức nàng sơn nữ Dankia với hàng trăm hạng mục lớn nhỏ sẽ được dựng lên bên hồ, trên hồ và giữa những đồi thông, thảm cỏ mượt mà … chúng ta có quyền hy vọng nơi đây sẽ đem lại sức hấp dẫn quyến rũ cho một vùng đất huyền thoại luôn làm say đắm biết bao khách viễn du.

2. Thác Hang Cọp

Thác Hang Cọp cách thành phố Đà Lạt 15 km về hướng Đông, thuộc ấp Túy Sơn, xã Xuân Thọ. Thác nằm giữa khu rừng thông với diện tích 308 ha, chiều cao thác chừng 50 m, dài hơn 500 m, trên đường từ Đà Lạt về Dran (Đơn Dương). Thác Hang Cọp có nhiều tên gọi khác như: thác Ông Cọp, thác Ông Thuận, thác Đạ Sar, thác Thiên Thai, thác Long Nhân...

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 3

Buổi sáng, trời cao nguyên vần vũ sương mây, chúng tôi lên đường khám phá thác Hang Cọp. Từ Quốc lộ 22, cách Trại Mát chừng 3 km, xe máy tẽ vào một con đường nhỏ lởm chởm đá cuội. Đi được gần 2 km, con đường bắt đầu hiểm trở và khá nguy hiểm với nhiều khúc quanh “cùi chỏ”, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Xe chầm chậm thả dốc xuống thung lũng hun hút, âm u... Tiếng thông reo vi vu, tiếng thác đổ ầm ì gợi cho chúng tôi thêm nhiều háo hức. Dã quỳ hoa vàng rực rỡ từng vạt dài, điểm xuyến giữa màu xanh chập chùng như cảnh thần tiên. Mimosa nhẹ nhàng, quý phái, e ấp giữa núi rừng hoang dã càng tăng thêm nét lãng mạn của cao nguyên. khu thăm quan sinh thái thác Hang Cọp hiện ra trước mắt chúng tôi với dáng vẻ hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng.

Mua vé vào cửa 7.000 đ/người và xe. Trong khoảng sân đầy hoa rừng, cỏ dại, chúng tôi bắt gặp tượng “chúa tể sơn lâm” dũng mãnh, cao khoảng 5 m, dài non 10 m, đứng trên một gò đất, ngước cổ như đang gầm thét. Men theo lối mòn quanh co, khúc khuỷu xuống một thung lũng hẹp, rừng đại ngàn thâm u, bí hiểm, khói sương mù mịt, một cây cầu treo lơ lửng giăng ngang mặt thác, trên độ cao 50 m. Tiếng thác va vào đá phát ra âm thanh như tiếng cọp gầm. Bên cạnh thác có một hang đá thiên nhiên rộng chừng hai gian nhà bếp, có 3 ngăn, 1 ngách và 2 miệng. Người Chi’ll gọi là Hang Cọp. Theo truyền thuyết của người Chi’ll, xưa kia, tại vùng rừng núi này có một con cọp rất hung dữ hoành hành. Người ta rất khiếp sợ và gọi cọp bằng “ông Ba Mươi”. Một dũng sĩ người Chi’ll dũng cảm, quyết tâm trừ hại cho dân, sau nhiều ngày theo dõi, chàng đã gặp và “tặng” con cọp hung dữ ấy một mũi tên vào chân. “Chúa sơn lâm” đau đớn vùng chạy vào trong rừng sâu, từ đó không thấy xuất hiện nữa. Hiện nay, gần thác Hang Cọp có tượng dũng sĩ người Chi’ll đang giương nỏ bắn cọp.

 

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 4

 

Khi hoàng hôn phủ xuống núi đồi, ánh mặt trời vàng nhạt xuyên qua những rừng thông cao vút rồi dần tắt lịm, lá cây hoa Móng Cọp khép mắt lại, là lúc muôn vàn âm thanh của rừng cũng bắt đầu trỗi dậy. Tiếng rừng thông lao xao, rì rào; tiếng chim bay về núi táo tác giữa không gian hoang sơ, u tịch và nổi lên, gờn gợn trong bóng chiều cô quạnh là tiếng “cọp gầm” đều đặn phát ra từ phía ngọn thác huyền thoại, có lúc ta giật mình tưởng như thật.

 

Đêm đến, khi ánh trăng nhô qua triền núi tỏa ánh sáng xanh trong huyền hoặc, sương mờ lãng đãng vấn vương trên ngàn cây ngọn cỏ... chúng tôi bày ra giữa sân nhà sàn một vò rượu cần, vừa đủ các thành viên ngà ngà say với thịt gà rừng luộc chấm muối ớt ăn kèm cùng măng chua. Cá lóc ở hồ, suối, thịt dẻ, ngon ngọt không thua cá ở đồng bằng... Một đêm trong rừng, bên thác Hang Cọp với nhiều cảm xúc lâng lâng trôi qua trong giấc ngủ yên bình, sảng khoái với cái rét dìu dịu trên độ cao 1.500 m.

 

Nếu đến thác Hang Cọp, hoặc các danh lam thắng cảnh, hay những bản làng của các dân tộc trên cao nguyên Lâm Viên vào những dịp lễ, tết, lễ hội Mừng lúa mới của người M’nông, lễ hội Ăn trâu của người K’ho, lễ cúng Thần Suối của dân tộc Mạ, lễ cúng Thần Bơ Mung của dân tộc Chu-Ru, bạn sẽ được dịp hòa nhập vào sinh hoạt, lễ hội của người dân tộc. Có thể bạn sẽ nắm tay một cô sơn nữ người Chi’ll xinh đẹp, cùng nhảy múa không biết mệt quanh ngọn lửa hồng trong đêm hội cồng chiêng nồng ấm giữa núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn, hoang dã... Trước khi chia tay, nếu có may mắn, bạn sẽ được một cô gái K’ho, hoặc M’nông, hoặc Mạ “ngoéo tay” hẹn gặp lại. Ngón tay út của bạn và cô gái “móc ngoéo” vào nhau, đồng thời hai ngón tay cái chạm khít sát ở phần thịt đầu ngón, tạo ra hình trái tim là biểu hiện của tình cảm thơ ngây, hồn nhiên và sự luyến lưu, lãng mạn của người con gái núi rừng với người con trai phương xa, chẳng biết bao giờ gặp lại.

3. Bảo Tàng Lâm Đồng

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng nằm trên một ngọn đồi cao ở số 4 đường Hùng Vương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3km về hướng đông bắc. Bảo tàng là nơi trưng bầy nhiều hiện vật truyền thống và lịch sử của địa phương, đặc biệt là những hiện vật thể hiện truyền thống văn hóa của vùng đất Lâm Đồng.

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng trước đây đặt tại dinh thị trưởng cũ, trên một đỉnh đồi cao quanh co rất thơ mộng... được mệnh danh là “con đường tình ái”. Do cơ sở này được chuyển giao cho quân đội quản lý nên bảo tàng đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 10/1990 đến 22/12/1996 thì hoạt động trở lại phục vụ khách tham quan và chương trình tại dinh Nguyễn Hữu Hào. Nơi đây nguyên là tòa biệt thự do ông Nguyễn Hữu Hào xây tặng con gái là Nam Phương Hoàng hậu.

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 5

Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng có nhiệm vụ sưu tầm và giới thiệu các nghiên cứu, phát hiện về khảo cổ học, dân tộc học và kháng chiến qua 2 thời kỳ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay bảo tàng đang có 9 phòng trưng bày gồm các chuyên mục:

 

 - Các thời kỳ lịch sử.

 - Các hiện vật khảo cổ do cơ quan công an và quản lý thị trường thu giữ.

 - Các hiện vật khảo cổ tại duy chỉ Đại Làng.

 - Các hiện vật khảo cổ tại duy chỉ Đại Lào và Đạ Đờn.

 - Các hình thức cư trú, các dụng cụ săn bắt và hái lượm.

 - Các nghề truyền thống.

 - Các trang phục và sinh hoạt.

 - Lễ hội truyền thống và đời sống văn hóa tinh thần.

 - Các hiện vật về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

Không chỉ dừng lại ở một bảo tàng đơn thuần, với chủ trương đa dạng hóa các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan và hành trình, nơi đây sẽ dần dần định hình như một trung tâm sinh hoạt văn hóa. Bốn nhà sàn đặc trưng của các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu sẽ được sưu tầm và đây cũng là nơi tổ chức giới thiệu một số sinh hoạt truyền thống như làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm... hoặc tổ chức các lễ hội như đâm trâu, cồng chiêng, uống rượu cần vào những dịp đặc biệt…

 

Ngoài ra, khách thăm quan còn được mục kích những bộ đàn đá Di Linh, B’Lao khá nổi tiếng có niên đại từ 3.500-3.000 năm, các di tích kiến trúc P’Roh (huyện Đơn Dương), Cát Tiên (huyện Cát Tiên), các di chỉ khảo cổ được khai quật từ mộ táng của các dân tộc bản địa như Đại Làng (huyện Bảo Lâm), Đại Lào (thị xã Bảo Lộc), Đạ Đờn (huyện Lâm Hà)…Đây là bộ sưu tập khá phong phú với gần 10.000 tiêu bản gốm sứ, hiện vật đồng, sắt có giá trị tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á. Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đang có những nỗ lực nhằm tạo cho mình một sức hấp dẫn riêng biệt.

4. Thác Dambri

Đambri là một thác nước đẹp, cao nhất vùng Lâm Đồng. Nguồn nước của dòng thác từ trên cao hơn 90 m đổ xuống, tạo nên một khung cảnh rất hùng vĩ.

Để đến với thác Dambri, bạn phải chạy quãng đường khá dài giữa trời xanh mây trắng của đất trời Tây Nguyên. Thác Dambri nằm trong khuôn viên quần thể khu nghỉ dưỡng Dambri với tổng diện tích gần 1.000 ha.

 

Từ cổng vào đã nghe tiếng nước đổ dữ dội. Men theo những tán cây rậm rạp, bạn bắt đầu hành trình xuống chân thác. Con đường bậc thang đã phủ rêu xanh nên bạn phải cẩn thận từng bước để không bị trơn trượt. Qua một vài khúc ngoặt, đến khi cảm giác đã mỏi chân muốn nghỉ thì thác nước hiện ra sau những màn mưa bụi, cùng vạn vật cây cỏ sẫm nước.

 

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 6

khu thăm quan thác Dambri cách thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) 18 km. Bảo Lộc cách Đà Lạt khoảng 120 km và TP HCM 180 km theo quốc lộ 20.

 

Thác Dambri đổ ầm ào thẳng đứng xuống từ độ cao 70 m, tựa suối tóc mềm của núi rừng. Dưới chân thác là cây cầu nhỏ bắc ngang những mỏm đá. Bước qua cầu, bạn sẽ được đắm mình trong một cơn mưa bụi li ti. Dòng thác tuôn trào với hàng triệu hạt nước đã tạo thành cơn mưa không bao giờ ngừng rơi quanh thác. Mọi vật xung quanh xanh tươi trong làn nước mát lạnh. 

 

Người K’ho tại Lâm Đồng kể rằng thác Dambri chất chứa trong mình cả một thiên tình sử. Theo một truyền thuyết, dòng thác đang cuộn chảy ầm ào, xưa kia là nơi nàng sơn nữ K’ho ngồi khóc đợi người tình quay về sau cuộc chia ly đầy ngang trái. Đã trải qua bao mùa lúa chín trên rẫy, bao mùa trăng tròn lại khuyết, nàng vẫn khóc, vậy mà người yêu thì biền biệt nơi đâu. Nước mắt nàng đọng lại tạo thành dòng thác Dambri, trong tiếng K’ho có nghĩa là “đợi chờ”.

 

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 7

Xuyên qua bóng râm âm u của những tán cây rừng, bạn bắt đầu hành trình theo con đường xuống chân thác

 

Bạn cũng có thể lên quán cafe nhỏ phía trên cầu để nghỉ chân và uống nước, từ đây ngắm nhìn toàn cảnh thác và những khóm hoa dại tím li ti chen nhau mọc trên đá. Bạn cũng có thể tiếp tục hành trình khám phá bằng cách đi theo con đường mòn xuyên qua khu rừng để lên đến thượng nguồn, hoặc đi lên ngọn thác bằng thang máy. Thang máy có kết cấu bằng kính trong suốt được dựng lên để phục vụ cho những Lữ khách muốn chiêm ngưỡng toàn cảnh thác nhưng không đủ sức khỏe để đi thang bộ.

 

Nằm trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng còn có đảo Khỉ, làng dân tộc Châu Mạ, chùa Di Đà trong buôn văn hóa Dạ Tồn. Đây đều là những điểm đến thú vị cho bạn khi dành một ngày vui chơi trọn vẹn trong khu thăm quan Dambri.

 

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 8

Thác Dambri là một phần của quần thể trải nghiệm sinh thái có tổng diện tích gần 1.000 ha nằm trong khu rừng nguyên sinh vẫn còn giữ vẻ đẹp hoang sơ.

5. Nhà Thờ Cam Ly

Nhà thờ Cam Ly hay nhà thờ Sơn Cước là một nhà thờ của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam. Nhà thờ phục vụ chủ yếu cho người dân tộc thiểu số. Nhà thờ Cam Ly có một kiến trúc độc đáo theo lối nhà rông của đồng bào Tây Nguyên.

Trong số gần 100 công trình kiến trúc công giáo xuất hiện ở Ðà Lạt từ thập niên 1920 đến thập niên 1960, nhà thờ Cam Ly được xây dựng riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang một sắc thái độc đáo khác hẳn với các giáo đường dành cho người Kinh. Những người tạo tác nên ngôi nhà thờ đã thể hiện sự "hội nhập văn hóa" qua nghệ thuật kiến trúc khi cho gương mặt chúa trời hòa nhập với gương mặt của Yàng (trời) mà những người dân nơi đây đã nghìn năm sùng bái.

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 9

Khai sinh ra ý tưởng về ngôi nhà chung của Chúa và Yàng là linh mục người pháp Boutary và người thể hiện thành công ý tưởng này là nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ. Công trình được khởi công vào cuối năm 1959 và hoàn thành tám năm sau đó. Nhìn ngang, hai mái giáo đường giống như lưỡi rìu, dốc đứng 17m, được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Ðể chịu đựng được sức nặng của ngôi nhà với cột, kèo, giằng bằng bê-tông, sắt và gỗ, móng của công trình đã được gia cố hết sức kỹ lưỡng. Riêng phần móng nhà thầu đã phải cật lực làm trong vòng nửa năm.Trước cổng chính nhà thờ là hai hình tượng hổ và phượng hoàng - những loài vật quen thuộc trong hiện thực và trong ý thức của đồng bào thiểu số. Hổ tượng trưng cho sức mạnh và phượng hoàng thể hiện cho sự tinh khôn.

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 10

Mặt khác, các nhà tạo tác cũng ngầm ví von các cư dân Thượng có bản tính vốn như chúa sơn lâm nhưng đã trở nên tốt lành, thanh dịu như chim phượng nhờ các tín điều tôn giáo. Cùng tư duy đó, nội thất thánh đường còn xuất hiện nhiều hình ảnh các loài vật khác thể hiện bản tính của chúng như: sự trong sáng của nai, sự gần gũi của chim và cá... Ðặc biệt dưới chân thánh giá, bên cạnh cung thánh bằng gỗ thông có treo ba đầu trâu theo thứ tự cao thấp. Trâu là linh vật mà người thiểu số ở Tây Nguyên thường dùng làm vật phẩm để "giao tiếp" với Yàng của họ, trong trường hợp này là kính dâng Thiên Chúa như một thông điệp biểu lộ lòng sùng kính.

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 ) - Ảnh 11

Sau ba khung cửa lớn là nội thất giáo đường với diện tích gần 400m², một không gian vừa u huyền, thâm nghiêm vừa khoáng đạt, phóng túng. Cảm giác đó có được là do hiệu quả các giải pháp kiến trúc. Nối với những bức tường lửng có độ cao khoảng 3m được xây bằng đá chẻ là hệ thống cửa kính mầu xanh-nâu-vàng trong các khung gỗ. Các khung cửa liền nhau và giáp mái này cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Ðối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày ngài thọ nạn, phục sinh...Ở đây, cùng với nghệ thuật sắp đặt và giải pháp kiến trúc, các nhà tạo tác đã kết hợp hài hòa và thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc.

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 )

Các Địa Điểm Tham Quan Đà Lạt Hấp Dẫn ( P3 )
27 2 29 56 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==