==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Đà lạt có 3 Dinh thự nổi tiếng được rất nhiều người quan tâm vì nó gắn liền với một nhân vật lịch sử, người đại diện cuối cùng của một chế độ có bề dày lịch sử trên một ngàn năm. Không những thế, 3 ngôi diện này còn được biết đến bởi sự nguy nga tráng lệ, với lối kiến trúc trang nhã, thơ mộng mang đậm nét kiến trúc thời canh tân của Châu Âu, các dinh này đều là địa điểm tham quan của hành trình Đà Lạt

Dinh I

Dinh I là một hệ thống công trình rất lớn ở đường Trần Quang Diệu, thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt, nằm cách trung tâm Đà Lạt chừng 4km về hướng Đông Nam, trên một ngọn đồi với cảnh quan đẹp và thơ mộng, độ cao 1550m có rừng thông bao quanh. Tổng diện tích khoảng 60ha, độ dốc trung bình khoảng 500. Nguyên đây là biệt thự của nhà triệu phú - một viên chức người Pháp - Robert Clément Bourgery. Ông là chủ nhà máy điện ở Thượng Hải và đã cho xây dựng biệt thự này vào trước những năm 1940. Công trình được xây dựng ở giữa rừng thông, trên một chỏm đồi nhìn xuống thung lũng rừng săn bắn xưa kia của Bảo Đại.

Sau khi Bảo Đại được người Pháp đưa trở lại nắm quyền (1949), thấy nơi đây khá đẹp và yên tĩnh nên chính phủ Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8-1949 và cho sửa sang toàn bộ dinh cơ này. Vua Bảo Đại đã dùng dinh cơ này làm tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức trong “lãnh thổ” của mình. Đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng làm dinh dành riêng cho tổng thống. Dinh được sửa sang lại, làm thêm đường hầm, hai bên có phòng làm việc của các phụ tá, sĩ quan,… Đường hầm này là lối thoát hiểm, kín đáo thông ra một sân bay trực thăng nhỏ, đề phòng các cuộc pháo kích và đảo chính. Sau khi Ngô Đình Diệm bị trừ khử, dinh thự này vẫn được dùng làm nơi nghỉ mát của các nguyên thủ quốc gia kế tiếp của chế độ cũ cho đến năm 1975. Sau năm 1975, được dùng làm nhà khách của Trung ương và sau đó do Công ty DRI quản lý và sử dụng.

Dinh Bảo Đại - Đà Lạt - Ảnh 1

Dinh nằm trong một rừng thông xanh thẫm. Lối vào dinh là một con đường rải nhựa với hai hàng cây tràm thân trắng cao vút. Cuối con đường là một đảo hoa hình quả trứng (oval) làm bình phong trang trí để xoay chuyển hướng đến sảnh đón chính của toà nhà. Chính yếu tố này đã tôn thêm vẻ cổ kính cho công trình. Quanh đó còn có một số hạng mục công trình kiến trúc khác như nhà dành cho ngự lâm quân, nhân viên phục vụ và một hệ thống sân sườn, bể nước vòi phun, lối đi dạo, vườn ngự uyển dẫn vào rừng săn bắn có chỗ nghỉ chân với hồ tắm thiên nhiên tạo thành một quần thể kiến trúc đẹp, sang trọng và hoàn chỉnh.

Tòa nhà chính gồm một tầng hầm, một tầng trệt, một tầng lầu. Mặt bằng được bố cục đối xứng với lối vào chính giữa, hệ thống cầu thang và hành lang mở ra hai bên. Tầng trệt có sảnh lớn, phòng tiếp khách, phòng họp lớn,... Lầu 1 gồm các phòng ngủ bao xung quanh một hành lang giữa.

Dinh I được xây dựng kiên cố, tường xây gạch đá, mái lợp ngói. Trên mái có nhiều cửa sổ, mái bẻ góc ở đuôi, có một số ống khói. Nét cổ điển không chỉ thể hiện ở sự đối xứng nghiêm ngặt trong mặt bằng mà còn nằm trên hệ cửa sổ với những vòm cung tròn. Phần nửa dưới của tầng trệt xây bằng đá chẻ, phần còn lại xây gạch. Toàn bộ hệ thống cửa, cầu thang, sàn lầu, vật dụng đều bằng gỗ. Cửa chính cũng có dạng vòm cung nguyên nhưng lại được kết hợp với mái đón bằng ngang, đó là một điểm cách tân trong kiến trúc dinh I. Mặt đứng công trình được trang trí với nhiều tiểu tiết càng làm tăng thêm dáng vẻ cổ kính, uy nghi mà tao nhã. Dinh I là một công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện rõ những ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc tân cổ điển của châu Âu.

Dinh II

Dinh II là dinh thự mùa hè của toàn quyền Decoux hay còn gọi là Dinh toàn quyền, là nơi ở và làm việc của toàn quyền Decoux vào mùa hè hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 10). Tọa lạc trên một đồi thông rợp bóng với độ cao 1539m so với mực nước biển, được bao bọc bởi đường Trần Hưng Đạo và Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Diện tích tự nhiên rộng khoảng 26ha, trong đó khu dinh thự 10ha và khu vực cảnh quan được quy hoạch 16ha.

Đây quả là một toà lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng, nằm trên đỉnh đồi cao, quanh năm bát ngát thông xanh và xen giữa là những thảm cỏ mọc tự nhiên. Từ độ cao này, phía trước những tán lá thông có thể nhìn thấy thấp thoáng mặt hồ Xuân Hương gợn sóng lăn tăn ở cách xa khoảng 500m. Phía trên mặt hồ là đồi Cù với những mặt cỏ xanh mướt, và xa hơn nữa đỉnh núi Lang Biang ẩn hiện trong mây. Tất cả như một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.

Dinh Bảo Đại - Đà Lạt - Ảnh 2

Công trình này do các KTS A.T. Kruzé, D. Veyssere, A. Léonard thiết kế và P. Foinet trong trí nội thất. Việc xây dựng tiến hành từ năm 1933 đến năm 1937 mới hoàn tất. Hình thức kiến trúc dinh thự này chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc châu Âu. Sự cách tân được thể hiện ở việc nó được thiết kế với các mái bằng đồ sộ với bố cục hình khối lớn ở dạng cân bằng không đối xứng. Cả mặt bằng và mặt đứng công trình đều được giải phóng khỏi thế đối xứng nghiêm nghị của trường phái cổ điển, đi vào khai thác các bố cục hình khối tự do.

Nhằm thỏa mãn vừa là mục đích nơi ở, nơi tiếp khách và nơi làm việc, nên mặt bằng công trình được bố trí khá hiện đại. Toàn bộ tầng trệt được bố trí cho các phòng làm việc, phòng tiếp khách gắn liền với các tiểu kiến trúc công viên. Tất cả các phòng ngủ ở tầng trệt được nhóm lại xung quanh một sảnh lớn. Ở đây các tác giả dự kiến sự phát triển sau này của Đà Lạt có thể phải sử dụng các phòng ở riêng làm phòng khách lớn. Không gian kiến trúc ở đây như hòa trộn với nhau thông qua các lối đi vào cửa sổ bằng kính có khung thép rất lớn nhưng vẫn không phá vỡ không khí ấm cúng của các phòng. Cuối đại sảnh là một cầu thang lớn dẫn đến các phòng có bố cục không đối xứng nhưng lại rất hợp lý với đầy đủ tiện nghi được sắp xếp một các hài hòa. Toàn bộ tầng lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình.

Mái hiên lối vào chính, đồng thời là sân trời cho tầng hai, có hình vòng cung. Các đầu máng xối cong là những đường nét đặc trưng của trào lưu hiện đại của công trình này. Dường như các kiến trúc sư không quan tâm đến những chi tiết trang trí, do đó mặt đứng công trình thật đơn giản với những mảng - hình khối lồi lõm một cách linh động. Phía trước đại sảnh có một mái che vươn ra đón khách khi xe đỗ (porch), đây là một giải pháp nhằm tăng tính uy nghi, bề thế cho công trình.

Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên sử dụng vật liệu đá rửa (màu sáng) phủ tường ngoài, cũng như các bộ phận vốn làm bằng gỗ thì nay được làm bằng kim loại mang từ Pháp. Công trình được gắn với một khoảng sân lộ thiên có đặt vòi phun nước, có tượng thần vệ nữ sơn nhũ vàng. Xung quanh sân bao bọc bởi những bức tượng thật duyên dáng làm cho con người dường như ấm hơn lên trong tiết trời se lạnh của thành phố cao nguyên.

Từ khi Phủ toàn quyền về đây, Decoux đã cho xây dựng những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Đường hầm này được nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1,5m, cao khoảng hơn 1m, có nhiều ngõ ngách và được đúc bằng bê tông chắc chắn.

Dinh II là một trong những công trình kiến trúc đẹp của Đà Lạt, mang nhiều dấu ấn gắn liền với lịch sử của đất nước. Sau 1975, nơi đây trở thành nhà khách Trung ương và hiện nay được dùng làm nhà khách của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Dinh III

Dinh III là tên gọi để chỉ biệt điện của vua Bảo Đại (Dinh Bảo Đại), vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ 1948 rồi thành lập “Hoàng triều cương thổ” vào 1950, nơi đây còn được gọi là biệt điện Quốc trưởng.

Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Dinh III được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng. Dinh được bố trí trên một đỉnh đồi mà trong dự án chỉnh trang Đà Lạt của KTS Hébrard dành cho dinh toàn quyền. Ngọn đồi này có độ cao 1539m ở đường Triệu Việt Vương.

Về hình thức kiến trúc, Dinh III cũng là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở châu Âu. Điểm đáng lưu ý ở đây là phía bên phải cổng vào và phía sau dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp, bố cục theo hình kỷ hà. Tại đây trồng nhiều cây cảnh được cắt tỉa đẹp, những cụm hồng quý nở quanh năm theo những bố cục đối xứng qua hai trục. Có một bồn hoa rộng phía trước dinh được chăm sóc chu đáo. Những con đường đi dạo nhỏ quanh dinh nằm ẩn mình dưới những tán lá thông, xen kẽ giữa các đám cỏ xanh.

Tương tự như dinh II, dinh III cũng là một công trình đồ sộ với hệ thống mái bằng, các mảng - khối được bố cục cân đối nhưng không đối xứng một cách cứng nhắc. Phía trước sảnh chính cũng có mái hiên đưa ra che vị trí đậu xe. Tầng trệt là phòng khách, các phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Đặc biệt, các phòng làm việc đều được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc, các không gian trong và ngoài liên hệ với nhau qua các cửa đi và cửa sổ bằng kính khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên.

Dinh Bảo Đại - Đà Lạt - Ảnh 3

Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa. Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của dinh. Dinh III là một công trình kiến trúc đẹp, gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta.

Có thể thấy rằng, tất cả các dinh thự đều được nằm ở vị trí trên đỉnh đồi cao, chiếm một diện tích lớn với rừng thông bao phủ xung quanh. Công trình kiến trúc chỉ là một điểm nhấn nhẹ nhàng, thấp thoáng giữa cây cỏ, thiên nhiên. Như vậy, tất cả các dinh thự ở Đà Lạt tuy ảnh hưởng của những hình thức kiến trúc khác nhau nhưng đều có giá trị và đặc biệt là sự hòa hợp với yếu tố tự nhiên, vừa tận dụng vừa tôn tạo thêm cho vẻ đẹp của thiên nhiên.

Đà lạt có 3 Dinh thự nổi tiếng được rất nhiều người quan tâm vì nó gắn liền với một nhân vật lịch sử, người đại diện cuối cùng của một chế độ có bề dày lịch sử trên một ngàn năm.

Đà lạt có 3 Dinh thự nổi tiếng được rất nhiều người quan tâm vì nó gắn liền với một nhân vật lịch sử, người đại diện cuối cùng của một chế độ có bề dày lịch sử trên một ngàn năm.
20 2 22 42 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==