Trồng hoa lay ơn là chuyện quá quen thuộc với người trồng hoa Lâm Đồng. Bông lay ơn thường được trồng ngoài trời, ở các vùng Xuân Thọ, phường 8, phường 12 (Đà Lạt), Định An (Đức Trọng). Thay vì trồng ngoài trời anh Tạ Minh Quân đã đưa bông lay ơn vào nhà kính, mở ra hướng đi mới cho loài hoa vốn quen thuộc này. Vốn là người đã nhiều năm làm nghề trồng rau hoa, anh Tạ Minh Quân, đường Nguyễn Hữu Cảnh, ấp Hà Đông, phường 8, Đà Lạt là người đầu tiên đưa bông lay ơn vào trồng trong nhà kính, nơi vẫn thường dành cho những loại hoa khó tính như hồng, cúc…
Vườn lay ơn của anh Tạ Minh Quân
Lay ơn là một trong những loại cây trồng đầu tiên mà những người khai thiên lập ấp đưa vào vùng đất Hà Đông sản xuất từ những năm 40 của thế kỷ trước, không có gì lạ lẫm với người trồng hoa. Nhưng, để trồng lay ơn trong nhà kính đòi hỏi phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng. Anh Tạ Minh Quân cho biết: “Trồng hoa lay ơn trong nhà kính, chúng tôi có thể chủ động được mùa vụ và ổn định độ ẩm cần thiết cho cây sinh trưởng và phát triển, giảm công chăm sóc, kinh phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật v.v. Nhờ đó, mật độ trồng cao và thuận tiện triển khai các biện pháp kỹ thuật mới”. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, anh Quân nhận thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thay đổi để kết quả đạt tốt hơn. Anh cho hay, trồng trong nhà kính, lay ơn ưa đất có độ tơi xốp nên khâu làm đất cần chú trọng hơn, dùng thêm phân bón vi sinh cũng như phân động vật ủ hoai mục để bón lót. Trồng trong nhà kính cũng có thêm ưu điểm là chủ động được lượng nước tưới, vừa tiết kiệm lại vừa ít bệnh nên không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, trong nhà kính bông lay ơn không thu được nhiều đạm từ không khí như trồng ngoài trời nên cần sử dụng thêm các loại phân bón lá để giúp cây ra lá, bông đẹp.
Gần 2 sào nhà kính được anh Tạ Minh Quân xuống gần 20 ngàn củ giống lay ơn với phương pháp canh tác nhiều khác biệt so với cách trồng ngoài trời. Theo tính toán của anh, mảnh vườn vừa thu hoạch của anh, với sản lượng sau khi đã trừ hao hụt đạt trên 55.000 bông. Với giá cả “thuận buồm xuôi gió”, lợi nhuận đạt khoảng từ 40-50 triệu đồng. Hiện, anh Quân đang cắt gốc, để củ “ngủ đông” ngay trong vườn. Sau 2-3 tháng nữa, củ sẽ được thu hoạch và anh lên kế hoạch tiếp tục trồng hoa lay ơn trong nhà kính trong vụ tới.
Nhận xét về mô hình trồng lay ơn trong nhà kính của anh Tạ Minh Quân, ông Võ Đình Dị, Chủ tịch Hội Nông dân phường 8 đánh giá đây là một mô hình mới và thành công. Ông Dị cho hay: “Bông lay ơn trồng trong nhà kính thực sự rất đẹp, cao tới 1,6m, cây mập mạp, màu sắc tươi tắn. Festival Hoa vừa rồi làng hoa Hà Đông có trưng bày bông lay ơn của nhà anh Quân và được khách thăm quan rất tán thưởng. Không chỉ có bông đẹp, chất lượng củ trồng trong nhà kính cũng rất tốt”. Không chỉ có thế, ông Dị cũng khẳng định, nhà kính nếu chỉ trồng mãi một loài hoa sẽ dễ làm nảy sinh các loại bệnh tật. Trồng lay ơn vừa như một loại hoa cho kinh tế tốt, vừa là loại cây luân canh, cắt đứt sự lan truyền bệnh tật trong đất là phương pháp hết sức hiệu quả để cải thiện năng suất sử dụng đất đai.
Tìm kiếm những cách làm khác nhau, nâng cao chất lượng cây hoa, đưa lay ơn vào nhà kính là cách làm sáng tạo của người nông dân làng hoa Hà Đông đồng thời là hướng gợi cho nhiều người trồng hoa trên phố núi.